Bị bệnh đau dạ dày không phải ăn gì cũng được. Cần phải biết cách ăn và có một chế độ ăn thật hợp lý, điều độ, điều trị bệnh đến nơi đến chốn nếu không sẽ tiến triển thành ung thư dạ dày. Vậy người đau dạ dày nên ăn gì?
Sau đây là một số lưu ý về thực phẩm mà người bị bệnh đau dạ dày nên ăn và không nên ăn:
Đau dạ dày nên ăn gì:
– Những thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu hóa, trong đó thức ăn làm từ bột mỳ là tốt nhất, vì mềm, dễ tiêu hóa, lại có chất kềm, có tác dụng bão hòa axit trong dạ dày.
– Những thức ăn giảm tiết axit dịch vị: bắp cải, đậu, bí ngô, cà rốt, hành lá, chất ngọt (mật ong, đường, bánh quy), dầu thực vật (các loại dầu được chế biến từ các loại hạt: dầu hướng dương, dầu vừng, dầu hạt cải, dầu đậu nành…).
– Những thức ăn trung hòa axit dịch vị, làm lành chỗ loét: sữa, trứng, thịt nạc, cá, tôm, rau củ non, đặc biệt họ cải (cải bắp, củ cải, rau cải…), gừng, chuối, dưa hấu, dưa leo, thốt nốt
Đau dạ dày không nên ăn gì:
- Các loại gia vị có tính kích thích như hành, tỏi, ớt, tiêu... đồ ăn quá mặn (mắm, tương, chao...) thường làm tăng sự bài tiết axit của dạ dày, gây ra các cơn đau.
- Chất kích thích như rượu, cà phê, ca cao, nước trà đậm…
- Các loại thực phẩm nướng; món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ; các loại thịt quay, thịt tái, các thức ăn chế biến sẵn như thịt hun khói, thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng, thịt hộp, các loại cá khô, mắm mặn; cũng nên hạn chế bột ngọt vì đó là một loại acid.
- Thực phẩm quá mát hoặc lạnh, nóng sôi: Cụ thể như cua, ốc, hến, hàu, nghêu, sò... Nếu phải ăn cần thêm vài lát gừng tươi để điều hòa. Cũng cần tránh thực phẩm ướp quá lạnh hoặc thức ăn đang nóng sôi; nếu muốn dùng phải để trở về nhiệt độ 25°C - 30°C.
- Thực phẩm làm tăng tiết dịch vị như là chanh, cam, quýt, mơ, ổi, xoài xanh, khế chua, me, … các loại nước trái cây có acid, nước có gas;
- Các loại nấm: Nói chung tất cả các loại nấm, kể cả nấm làm thuốc. Nhất là các loại nấm còn non, mới nhú chồi (kể cả nấm rơm, nấm hương) vì ở trong nấm non có chất phalin rất độc chưa bị hủy, có thể làm tổn thương dạ dày.
- Trứng chưa chín hoặc quá chín: Vì trong lòng trắng trứng sống có chất antitrypsin chống lại sự tiêu hóa protein, có thể gây đầy bụng, khó tiêu và ảnh hưởng đến sự tiêu hóa các chất protein có trong thịt, cá, sữa. Nếu nấu trứng chín quá kỹ thì ăn cũng khó tiêu, vậy nên chiên (rán) hoặc luộc vừa chín tới là tốt nhất.
- Một số loại củ, rễ: Cụ thể như măng, khoai mì vì chúng có một hàm lượng acid cyanhydric là chất độc hại cho dạ dày.